NHỮNG LƯU Ý CHO THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI KHI XIN CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TẠI VIỆT NAM

Thứ năm - 13/03/2025 04:15
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhiều thương nhân nước ngoài có mong muốn thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam để nghiên cứu thị trường trước khi quyết định rót vốn đầu tư lâu dài. Thực tế, việc tuân thủ các quy định pháp luật về thành lập Văn phòng đại diện vẫn còn là mối quan tâm của nhiều thương nhân nước ngoài. Bài viết này sẽ phân tích những điều kiện, hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, giúp thương nhận nước ngoài hiểu rõ hơn khi thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
NHỮNG LƯU Ý CHO THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI KHI XIN CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TẠI VIỆT NAM
Khái niệm Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thương mại 2005, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là một đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo pháp luật Việt Nam để thực hiện chức năng tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.

Điều kiện cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài

Căn cứ Điều 7 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, thương nhân nước ngoài muốn thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện:

1. Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận.
2. Đã hoạt động liên tục tối thiểu 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh. 
3. Nếu Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ.
4. Nội dung hoạt động kinh doanh của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 
5. Trong trường hợp nội dung hoạt động không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành.

Hồ sơ cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài

Theo Điều 10 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định về hồ sơ cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện gồm:
(1) Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
(2) Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài;
(3) Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Văn phòng đại diện;
(4) Bản sao báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;
(5) Bản sao CCCD/ hộ chiếu (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Văn phòng đại diện;
(6) Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện bao gồm: 
  • Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Văn phòng đại diện;
  • Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 28 Nghị định 07/2016/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

Lưu ý: Tài liệu (2), (3), (4), (5) (đối với trường hợp bản sao hộ chiếu của người đứng đầu Văn phòng đại diện là người nước ngoài) phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tài liệu (2) phải được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận hoặc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài

Tại Điều 11 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ 
Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép nơi dự kiến đặt Văn phòng đại diện.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.

Trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định 07/2016/NĐ-CP trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài. 

Trường hợp từ chối cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do.

Bước 3: Gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành (nếu có)
Trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định 07/2016/NĐ-CP (về Điều kiện cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện) và trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bước 4: Bộ quản lý chuyên ngành trả kết quả (nếu có)
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Cơ quan cấp Giấy phép, Bộ quản lý chuyên ngành có văn bản nêu rõ ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý cấp phép thành lập Văn phòng đại diện. 

Bước 5: Trả kết quả
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp không cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do.

Như vậy, việc thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam yêu cầu thương nhân nước ngoài phải đáp ứng và tuân thủ các điều kiện pháp lý nhất định. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự am hiểu về pháp luật nước sở tại mà còn sự chính xác trong việc chuẩn bị hồ sơ.

Nếu quý khách gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, hãy liên hệ ngay với NBLaw để được hỗ trợ tư vấn và triển khai giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng và hiệu quả!
_______________________________________________________________
Liên hệ để được hỗ trợ giải đáp nhanh nhất các vấn đề pháp lý của bạn:

CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN & BROTHERS
Địa chỉ trụ sở: 84-86, Nguyễn Trường Tộ, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng giao dịch: 25/2 Hoàng Việt, P.4, Q. Tân Bình, TP. H CM
Hotline: (028) 6682 7999
Zalo: 0938398727
Email: info@nblaw.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/nguyenandbrotherslawfirm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

NGUYỄN & BROTHERS LAW FIRM

Chúng tôi luôn nỗ lực để có thể trở thành công ty luật hàng đầu với các cam kết về chất lượng và cải tiến dịch vụ cho khách hàng. Cùng với đó, giá trị cốt lõi của chúng tôi là xây dựng một mối quan hệ lâu dài với khách hàng dựa trên sự cởi mở và trung thực, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu.
zalo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây