QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÌNH SỰ

Thứ sáu - 07/03/2025 21:00
Quy trình tố tụng hình sự khá phức tạp, có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Mỗi giai đoạn trong hoạt động tố tụng sẽ khác nhau về mục đích, chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng. Gồm các giai đoan như sau: Tiếp nhận về nguồn tin tội phạm; Khởi tố vụ án hình sự; Điều tra vụ án hình sự; Truy tố vụ án hình sự; Xét xử vụ án hình sự; Thi hành bản án và Quyết định của Tòa án.
QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÌNH SỰ

GIAI ĐOẠN 1: TIẾP NHẬN VỀ NGUỒN TIN TỘI PHẠM

Đây là giai đoạn đầu tiên trong hoạt động tố tụng, là căn cứ để tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo. Nguồn tin về tội phạm bao gồm: tố giác về tội phạm, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện.

Phạm vi nguồn tin về tội phạm được xác định khá rộng, hầu như đầy đủ từ mọi chủ thể nhằm tăng khả năng phát hiện, khai báo và xử lý tội phạm tới mức tối đa tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm, người phạm tội không bị xử lý kịp thời. Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

- Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền;
- Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Theo đó, nhiệm vụ giải quyết tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố là trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải tổ chức và tiến hành những biện pháp, thủ tục cần thiết để tiếp nhận đầy đủ, kiểm tra xác minh và xử lý theo luật định mọi thông tin về tội phạm do cơ quan, tổ chức và cá nhân gửi đến, nhằm quyết định khởi tố hay quyết định không khởi tố vụ án hình sự, áp dụng các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn cho người tố giác.

Cơ quan tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
  • Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
  • Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
  • Cơ quan giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
  • Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
  • Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
  • Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục. 
Thời hạn giải quyết về nguồn tin tội phạm: 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng;

Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

GIAI ĐOẠN 2: KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Sau khi kết thúc giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong các quyết định: khởi tố vụ án hình sự, không khởi tố vụ án, tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. 1 Căn cứ khởi tố vụ án hình sự:

Chỉ được khởi tố vụ án hính sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu của tội phạm dựa trên những căn cứ sau:

  • Tố giác của cá nhân;
  • Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
  • Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
  • Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
  • Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
  • Người phạm tội tự thú.
Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng điều tra, xác minh xem có hay không có dấu hiệu của tội phạm, sau đó ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm. Trường hợp không có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ không tiến hành khởi tố vụ án hình sự.

2.2 Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự:

Căn cứ tại Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự như sau:

- Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết theo quy định dưới đây.

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

- Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp:

+ Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
+ Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
+ Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.

- Hội đồng xét xử yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

2.3 Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự:

Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

- Không có sự việc phạm tội

- Hành vi không cấu thành tội phạm
Cấu thành tội phạm là tổng hợp các dấu hiệu pháp lý đặc trưng cho mỗi tội phạm, đây là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi không cấu thành tội phạm là hành vi không thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của một cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS.

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự 
Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm;
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

- Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật
Theo nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm nên khi tội phạm đã được đem ra xét xử và có bản án thì cơ quan có thẩm quyền không được tiến hành khởi tố vụ án hình sự lần 2.

- Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự 
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được hiểu là thời hạn mà phải luật quy định được phép truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội danh cụ thể nên khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Thời hiệu truy cứu này được quy định tại Điều 27 BLHS 2015 cụ thể:

  • 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
  • 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
  • 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
  • 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
- Tội phạm đã được đại xá

Đại xá là một biện pháp khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, được Quốc Hội ra quyết định vào những dịp có sự kiện quan trọng của đất nước. Nội dung của đại xá chính là tha tội hoàn toàn cho một số loại tội phạm nhất định với hàng loạt người phạm tội. Những hành vi phạm tội được đại xá thì không được khởi tố vụ án hình sự. Nếu vụ án đang trong quá trình khởi tố, điều tra, xét xử sẽ được đình chỉ.

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác
Mục đích của việc khởi tố vụ án là tìm ra sự thật về hành vi phạm tội, nhằm giáo dục người vi phạm ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Nên khi người phạm tội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác, thì mục đích của việc khởi tố không còn nữa.

- Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự thì: Một số tội sau chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết bao gồm:
  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
  • Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
  • Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
  • Tội hiếp dâm
  • Tội cưỡng dâm
  • Tội làm nhục người khác
  • Tội vu khống
Khi có một trong các căn cứ quy định trên thì người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết rõ lý do; nếu xét thấy cần xử lý bằng biện pháp khác thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.

GIAI ĐOẠN 3: ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ

Giai đoạn này bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố của cơ quan tiến hành tố tụng và kết thúc bằng kết luận điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát truy tố bị can trước Toà án hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án hình sự.

Ở giai đoạn điều tra cơ quan điều tra phải thu thập đầy đủ chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, chứng cứ xác định tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can và chứng cứ xác định các tình tiết khác của vụ án. Nếu như thu thập được đầy đủ chứng cứ hoặc việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai bị cáo có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì viện kiểm sát hoặc tòa án sẽ trả hồ sơ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện điều tra bổ sung.

3.1 Thời hạn điều tra vụ án hình sự:

Theo Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thời hạn điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp cần thiết, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị và Viện Kiểm sát ra Quyết định gia hạn thời hạn điều tra vụ án hình sự theo quy định.

3.2 Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự:

Tùy theo vụ án, thẩm quyền điều tra vụ án hình sự theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bao gồm:
  • Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
  • Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
  • Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

3.3 Các hoạt động điều tra vụ án hình sự:

- Khởi tố và hỏi cung bị can
Việc hỏi cung được tiến hành bởi Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên tùy vào trường hợp
- Lấy lời khai người làm chứng
Người tiến hành lấy lời khai là điều tra viên, các bộ điều tra hoặc kiểm sát viên
- Đối chất
Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất. Trong một số trường hợp cần thiết thì kiểm sát viên tiến hành đối chất
- Nhận dạng, nhận biết giọng nói
Điều tra viên tiến hành đưa người, ảnh hoặc vật cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhận dạng và cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết giọng nói
- Khám xét người
Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quyền ra lệnh khám xét. Điều tra viên thi hành lệnh (người cùng giới thực hiện);
- Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật
- Khám nghiệm hiện trường

Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án
- Khám nghiệm tử thi
Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến
- Thực nghiệm điều tra
Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết
- Định giá tài sản
Đây là biện pháp điều tra của cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát khi thấy cần thiết phải có kết luận định giá tài sản về một vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự đang được tiến hành giải quyết
Khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố nếu có đủ chứng cứ, hoặc ra Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra nếu có một trong các căn cứ quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.

GIAI ĐOẠN 4: TRUY TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Sau khi hoàn thành điều tra vụ án hình sự cơ có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự sẽ chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát truy tố vụ án hình sự.

Truy tố là chức năng quan trọng của Viện kiểm sát nhằm kiểm tra, đánh giá toàn bộ nội dung, xác định sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội trên cơ sở hồ sơ và tài liệu chứng cứ kèm theo do Cơ quan điều tra chuyển đến.

4.1 Thẩm quyền truy tố:

Điều 239 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền truy tố như sau: “Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án”.

- Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố:
Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án, Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đã kết thúc điều tra vụ án, bị can hoặc người đại diện của bị can, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác.
Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.

- Trường hợp Viện kiểm sát cấp quyết định truy tố:
Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. 

Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

4.2 Thời hạn truy tố:

Kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án; Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; hoặc Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can trong thời hạn sau đây:

  • Đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng: 20 ngày. Trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn thêm nhưng không quá 10 ngày.
  • Đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: 30 ngày.Trong trường hợp cần thiết được gia hạn thêm không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
  • Đối với trường hợp chuyển vụ án khi không thuộc thẩm quyền truy tố: thời hạn truy tố được tính từ ngày Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố nhận được hồ sơ vụ án.
GIAI ĐOẠN 5: XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Là giai đoạn Tòa án có thẩm quyền thực hiện xét xử trên cơ sở kết quả quá trình điều tra, bản cáo trạng của Viện kiểm sát và tranh tụng tại tòa. Giai đoạn xét xử vụ án hình sự bao gồm:

- Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự;
- Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự;

Quá trình xét xử được thực hiện theo nguyên tắc xét xử trực tiếp bằng lời nói và liên tục, chỉ xét xử những bị cáo, những hành vi theo tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố và Tòa án đã có quyết định đưa ra xét xử. Khi kết thúc hội đồng xét xử ra bản án hoặc các quyết định.

Nếu bản án sơ thẩm mà không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật và được đưa ra thi hành. Ngược lại, thì có thể có thêm các giai đoạn khác như:

- Xét xử phúc thẩm (nếu bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo kháng nghị);
- Giám đốc thẩm (nếu bản án, quyết định đã có hiệu lực có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án);
- Và tái thẩm (nếu phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó);

GIAI ĐOẠN 6: THI HÀNH BẢN ÁN VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Giai đoạn thi hành bản án và quyết định của Tòa án được thực hiện sau xét xử, khi bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Công việc này do Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định.

Việc thực hiện sẽ giao cho cơ quan thi hành án hình sự thực hiện nhằm bảo đảm cho bản án và quyết định có hiệu lực của Tòa án được thi hành một cách chính xác, kịp thời.

Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Chỉ có những bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mới được đưa ra thi hành, trừ trường hợp bản án tuyên một người là không phạm tội hoặc tuyên một hình phạt bằng hoặc thấp hơn thời hạn họ bị tạm giam. Việc thi hành các loại hình phạt phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

XÉT LẠI BẢN ÁN CÓ HIỆU LỰC:

Để bảo đảm tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, trường hợp các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện ra sai lầm về pháp luật và phát hiện ra tình tiết mới thì được xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm quy định tại Điều 370 và tái thẩm quy định tại Điều 397 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Thủ tục xét lại bản án đã có hiệu lực bao gồm: Thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ sau:

  • Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật.
  • Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
  • Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật.
  • Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định tại Điều 401 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015:

Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

_______________________________________________________________
Liên hệ để được hỗ trợ giải đáp nhanh nhất các vấn đề pháp lý của bạn:

CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN & BROTHERS
Địa chỉ trụ sở: 84-86, Nguyễn Trường Tộ, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng giao dịch: 25/2 Hoàng Việt, P.4, Q. Tân Bình, TP. H CM
Hotline: (028) 6682 7999
Zalo: 0938398727
Email: info@nblaw.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/nguyenandbrotherslawfirm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

NGUYỄN & BROTHERS LAW FIRM

Chúng tôi luôn nỗ lực để có thể trở thành công ty luật hàng đầu với các cam kết về chất lượng và cải tiến dịch vụ cho khách hàng. Cùng với đó, giá trị cốt lõi của chúng tôi là xây dựng một mối quan hệ lâu dài với khách hàng dựa trên sự cởi mở và trung thực, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu.
zalo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây