NHỮNG ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT CÔNG CHỨNG NĂM 2024

Thứ năm - 27/02/2025 02:30
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công chứng 2024 số 46/2024/QH15 ngày 26/11/2024 với 08 chương và 76 Điều, có hiệu lực từ 01/7/2025. Theo đó, Luật Công chứng 2024 có nhiều điểm mới nổi bật so với Luật Công chứng năm 2014. Dưới đây là 6 điểm nổi bật nhất.
NHỮNG ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT CÔNG CHỨNG NĂM 2024
1. Những đối tượng được miễn đào tạo và bồi dưỡng nghề công chứng tại khoản 1 Điều 10 Luật Công chứng 2014 sẽ vẫn phải tham gia đào tạo nghề công chứng trong thời hạn 6 tháng

Luật Công chứng năm 2024 đã quy định những đối tượng vẫn phải tham gia đào tạo nghề công chứng trong 6 tháng bao gồm:

  • Người đã có thời gian từ đủ 05 năm trở lên làm thẩm phán; kiểm sát viên; điều tra viên; thẩm tra viên chính ngành Tòa án; chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự; kiểm tra viên chính ngành kiểm sát; trợ giúp viên pháp lý hạng II; thanh tra viên chính ngành tư pháp; chuyên viên chính, pháp chế viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật;
  • Thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 05 năm trở lên;
  • Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sĩ luật;
  • Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án; chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự; kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; trợ giúp viên pháp lý hạng I; thanh tra viên cao cấp ngành tư pháp; chuyên viên cao cấp, pháp chế viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
Như vậy, nhằm mục đích nâng cao chất lượng đầu vào, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, bảo đảm hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của đội ngũ công chứng viên. Luật công chứng 2024 đã có những thay đổi quy định cụ thể những đối tượng sẽ có thời gian đào tạo nghề công chứng là 6 tháng.

2. Thời gian tập sự hành nghề được thống nhất chung là 12 tháng

Luật Công chứng 2014 quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng tại khoản 1 Điều 11 như sau: “Người tập sự phải đăng ký tập sự tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự. Thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với người có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng và 06 tháng đối với người có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng. Thời gian tập sự hành nghề công chứng được tính từ ngày đăng ký tập sự.

Tuy nhiên, Điều 12 Luật Công chứng 2024 đã quy định thống nhất thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng tính từ ngày quyết định đăng ký tập sự có hiệu lực nhằm giúp những người tập sự đủ thời gian để trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. Luật Công chứng 2024 cũng quy định rõ người tập sự phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự để bảo đảm sự nghiêm túc, thực chất của việc tập sự, tránh tình trạng chỉ ghi danh tập sự một cách “chống chế”.

2053 13 card teaser behoerden AdobeStock195158658
Thời gian tập sự hành nghề được thống nhất chung là 12 tháng. (Ảnh: Internet)
3. Bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề

Nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, Luật Công chứng 2024 đã bổ sung quy định chỉ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên cho người không quá 70 tuổi và công chứng viên chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi (Điều 10,16,17). 

Theo đó, nhằm nâng cao tính ổn định của hoạt động công chứng, Luật có quy định chuyển tiếp, công chứng viên qua 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành (01/7/2025) thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 02 năm.

4. Triển khai công chứng điện tử từ 01/7/2025

Luật công chứng năm 2024 đã bổ sung 4 điều mới (Điều 62 đến Điều 65) quy định những vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng. Theo đó, sẽ có 02 hình thức công chứng điện tử từ ngày 01/7/2025:
  • Công chứng điện tử trực tiếp: Người yêu cầu công chứng giao kết giao dịch trước mặt, sau đó và tổ chức hành nghề công chứng thực hiện chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.
  • Công chứng điện tử trực tuyến: Đây là hình thức được thực hiện khi các bên tham gia giao dịch yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng 01 địa điểm và giao kết giao dịch qua phương thức trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên.
Công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.
5. Không còn là công chứng viên vẫn phải bồi thường thiệt hại

Theo khoản 5 Điều 33 và khoản 1 Điều 38 Luật Công chứng 2014, việc bồi thường thiệt hại trong hoạt động hành nghề công chứng sẽ do tổ chức hành nghề công chứng đứng ra bồi thường cho người yêu cầu công chứng. Còn nhân viên, công chứng viên gây ra thiệt hại phải trả lại khoản tiền đó cho tổ chức hành nghề công chứng.

Tuy nhiên, có một số hợp đồng, giao dịch mà phải mất đến rất nhiều năm sau mới phát hiện ra sai sót, lúc đó nếu tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chuyển đổi, sát nhập,...hoặc công chứng viên ký hợp đồng giao dịch đó đã không còn làm công chứng viên nữa thì Luật Công chứng 2014 lại chưa điều chỉnh đến.

Nhận ra điểm bất cập đó, khoản 2 Điều 40 Luật Công chứng 2024 quy định, nếu công chứng viên hoặc nhân viên văn phòng công chứng mà trực tiếp gây thiệt hại phải thực hiện bồi thường cho tổ chức hành nghề công chứng, kể cả trường hợp người đó không còn là công chứng viên hoặc làm trong ngạch công chứng. Trường hợp đã trực tiếp gây thiệt hại nhưng không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

6. Công chứng viên được mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và là loại hình bảo hiểm bắt buộc

Theo khoản 1 Điều 39 Luật Công chứng 2024 quy định, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc.

Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

Theo đó, chậm nhất 10 ngày kể từ khi mua bảo hiểm hoặc ngày thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm, tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên cho Sở Tư pháp.

Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.

________________________________________________________
Liên hệ để được giải đáp nhanh nhất các vấn đề pháp lý của bạn:

CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN & BROTHERS
Địa chỉ trụ sở: 84-86, Nguyễn Trường Tộ, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng giao dịch: 25/2 Hoàng Việt, P.4, Q. Tân Bình, TP. H CM
Hotline: (028) 6682 7999
Zalo: 0938398727
Email: info@nblaw.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/nguyenandbrotherslawfirm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

NGUYỄN & BROTHERS LAW FIRM

Chúng tôi luôn nỗ lực để có thể trở thành công ty luật hàng đầu với các cam kết về chất lượng và cải tiến dịch vụ cho khách hàng. Cùng với đó, giá trị cốt lõi của chúng tôi là xây dựng một mối quan hệ lâu dài với khách hàng dựa trên sự cởi mở và trung thực, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu.
zalo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây