Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2023
1. Luật kinh doanh bảo hiểm:
Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được thông qua ngày 16-6-2022, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023. Trong đó, có một số nội dung đáng chú ý như: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phát triển sản phẩm; Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn tối đa 100% vốn điều lệ; Cắt giảm thủ tục hành chính; tăng tính bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm; Cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm; Bổ sung quy định về an toàn tài chính.
2. Luật cảnh sát cơ động:
Có hiệu lực từ ngày 1-1-2023, Luật cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 33 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với cảnh sát cơ động. Theo đó, chức năng của cảnh sát cơ động là nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội. Nhiệm vụ chính của cảnh sát cơ động là "sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố".
3. Luật sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ:
Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội khóa XV thông qua vào kỳ họp thứ 3, ngày 16-6-2022. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2022, trong khi quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2024. Có 7 chính sách lớn, điểm mới căn bản và quan trọng nhất gồm:
- Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả.
- Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước.
- Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
- Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
- Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ.
- Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
- Bảo đảm thi hành đầy đủ các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hộ nhập.
4. Luật điện ảnh (sửa đổi):
Luật điện ảnh số 05/2022/QH15 (viết tắt là Luật điện ảnh năm 2022) kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật điện ảnh năm 2006. Luật điện ảnh năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 và có 10 điểm mới cơ bản phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, gồm:
- Sửa đổi, bổ sung khái niệm "Phim".
- Khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh.
- Quy định chi tiết, cụ thể hơn những nội dung bị cấm trong hoạt động điện ảnh.
- Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện dưới ba hình thức.
- Quy định mới chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam.
- Luật không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
- Quy định việc phân loại độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo nội dung phim.
- Thời hạn lưu chiếu đối với phim nhập khẩu căn cứ theo thời hạn bản quyền phổ biến tại Việt Nam.
- Mở rộng đối tượng được tổ chức liên hoan phim.
- Luật đã bổ sung và làm rõ thêm mục đích của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
5. Quy định mới về nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy:
Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Nghị định gồm 15 Điều, trong đó từ Điều 1 đến Điều 13 của Nghị định quy định việc sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Nghị định số 104/2022/NĐ-CP bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi…
Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nghị định cũng bãi bỏ, thay thế một số cụm từ liên quan tới quy định về sổ hộ khẩu tại các nghị định liên quan tới một số lĩnh vực cụ thể như: điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; hộ tịch, người có công, bảo trợ xã hội…
6. Tăng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở lên 5,0%/năm:
Đây là nội dung tại Quyết định 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 (thay thế Quyết định 1956/QĐ-NHNN) về mức lãi suất của ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN , 32/2014/TT-NHNN và 25/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Cụ thể, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Thông tư 32/2014/TT-NHNN và Thông tư 25/2016/TT-NHNN là 5,0%/năm (Tăng 0,2% so với mức lãi suất quy định tại Quyết định 1956/QĐ-NHNN năm 2021).
Theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN (sửa đổi bởi Thông tư 32/2014/TT-NHNN), các ngân hàng cho vay áp dụng mức lãi suất nêu trên bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long; Các ngân hàng thương mại cổ phần khác do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.
7. Thay đổi lịch nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính năm 2023
Nghị định 91/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định sau: "Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó".
Theo đó, lịch nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính năm 2023 như sau:
(1) Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính Quý I/2023
Theo khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019, hàng quý, doanh nghiệp tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của quý đó chậm nhất vào ngày 30 của tháng đầu quý sau.
Năm 2023, lịch nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế lao động người lao động sẽ kéo dài từ ngày 29/4/2023 đến hết ngày 03/5/2023 nên thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính Quý I/2023 chậm nhất là ngày 04/5/2023.
(2) Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính Quý II/2023
Theo khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019, hàng quý, doanh nghiệp tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của quý đó chậm nhất vào ngày 30 của tháng đầu quý sau.
Do ngày 30/7/2023 là ngày chủ nhật trùng với ngày nghỉ hàng tuần nên thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính Quý II là ngày 31/7/2023.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn