QUYỀN YÊU CẦU GIẢI QUYẾT LY HÔN SAU KHI BỊ TÒA ÁN BÁC ĐƠN
Một trong những nội dung mới đáng chú ý trong Nghị quyết 01 là quy định hướng dẫn về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Thực tế cho thấy, quyền yêu cầu ly hôn được xuất phát từ quyền tự do ly hôn, là một trong những quyền tự do cơ bản của vợ chồng được Hiến pháp ghi nhận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, pháp luật vẫn hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
Trước đây, nếu chỉ dựa vào quy định nêu trên thì thời kỳ cụ thể của giai đoạn mang thai và sinh con chưa được xác định rõ thì nay Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP đã có hướng dẫn cụ thể như sau:
- “Đang có thai” là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.
- “Sinh con” được xác định là thuộc một trong các trường hợp:
(i) Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi;
(ii) Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con;
(iii) Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.
Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rõ những trường hợp mà khi đó, quyền yêu cầu ly hôn của người chồng sẽ không được Tòa án giải quyết, cụ thể là:
- Trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hoặc ngày đình chỉ thai nghén;
- Trường hợp vợ đang có thai, sinh con (không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai);
- Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (không phân biệt con đẻ, con nuôi).
- Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Kể từ ngày 01/7/2024, trong trường hợp bị Tòa bác đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết ly hôn, người khởi kiện vẫn có thể nộp đơn lại ngay cho Tòa án. (Hình ảnh: Internet)
Dựa vào những quy định hạn chế quyền ly hôn của người chồng đối với người vợ theo hướng dẫn nêu trên của Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP thì có thể thấy, Nghị quyết không hạn chế quyền yêu cầu ly hôn trong một khoảng thời gian nhất định sau khi vợ/ chồng yêu cầu ly hôn nhưng đã được Tòa án giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, tuyên bác yêu cầu.
Đây là một điểm mới so với nội dung trước đây được nêu trong Nghị quyết 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000: “Cần chú ý là tuy pháp luật tố tụng chưa quy định, nhưng đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị tòa án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu tòa án giải quyết việc xin ly hôn”. Vì vậy, đến nay khi áp dụng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 mà gặp trường hợp tương tự, thì nhiều Tòa án vẫn áp dụng tinh thần của Nghị quyết 02/2000 để trả lại đơn khởi kiện do người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Xét thấy, điều này đã gây ra nhiều hạn chế, khó khăn đối với người chồng khi yêu cầu giải quyết ly hôn mà bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện thì phải chờ đến 01 năm sau mới lại được yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì nhiều trường hợp thực tế cho thấy, khi hôn nhân đã không còn đạt được mục đích ban đầu thì việc kéo dài thời gian giải quyết yêu cầu ly hôn sẽ càng khiến cho tình trạng hôn nhân trở nên căng thẳng, cả vợ, chồng và thậm chí là những người con sẽ phải chịu những ảnh hưởng sâu sắc về mặt tâm lý.
Do vậy, với Nghị quyết 01/202401/NQ-HĐTP thì những hạn chế, khó khăn nêu trên đã được khắc phục. Theo đó, kể từ ngày 01/7/2024, trong trường hợp bị Tòa bác đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết ly hôn thì người khởi kiện vẫn có thể nộp lại ngay mà không cần phải chờ 01 năm sau.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn