Khung pháp lý đối với hành vi quấy rồi tình dục tại nơi làm việc
Theo quy định Bộ luật lao động 2019 quy định: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”. Bị quấy rối tình dục có thể thấy khả năng xảy ra đối với bất kỳ ai, không phân biệt giới tính. Các hình thức quấy rối tình dục đa dạng nhiều hành vi khác nhau, nhưng nhìn chung gồm 3 nhóm hành vi chính như sau:
- Một là, Quấy rối tình dục bằng hành vi (trực tiếp): Với hình thức này quấy rối tình dục sẽ biểu hiện ra bên ngoài thành những hành vi mang tính tình dục lộ liễu như tiếp xúc hay cố tình động chạm không mong muốn.
- Hai là, Quấy rối tình dục bằng lời nói: Với hình thức này quấy rối tình dục sẽ biểu hiện ra thành ngôn ngữ gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ.
- Ba là, Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói (gián tiếp): Hình thức này biểu hiện ra thành các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của các ngón tay…hay phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép,tin nhắn liên quan tới tình dục.
Mặc dù, hành vi quấy rối tình dục là hành vi vi phạm bị nghiêm cấm. Nhưng trên thực tế, vẫn không tránh khỏi những đối tượng có hành vi trên làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thân của người bị xâm hại. Do đó, nhằm hạn chế và giải quyết triệt để những vấn đề trên, pháp luật Việt Nam cũng có những chế tài sau:
Người nào có hành vi Quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải theo khoản 2 Điều 125 Bộ luật lao động 2019 quy định: “Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động”.
Bên cạnh đó, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. ( khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022).
Ngoài ra, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi quấy rối được xác định là nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác và có đủ dấu hiệu cấu thành hành vi phạm Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù lên đến 5 năm tùy từng mức độ vụ việc.
Nhìn chung pháp luật đã có những chế tài đối với hành vi quấy rối tình dục trên nhưng cần phải tăng mức xử phạt nghiêm khắc để quán triệt hành vi trên đồng thời chủ doanh nghiệp cần phải tăng cường biện pháp quản lý chặt chẽ và có những hình thức kỷ luật nghiêm khắc góp phần tạo môi trường làm việc cho người lao động.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn